cách chọn mua ống nghe y tế

[Guide] Cách chọn mua ống nghe y tế phù hợp (2021)

Trong lĩnh vực y tế, hình ảnh người bác sĩ với chiếc ống nghe đeo trên tai đã trở thành một biểu tượng vô cùng đặc trưng. Quả thật như vậy, ống nghe y tế là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc đời hành nghề của bác sĩ. Nó giúp chúng ta khám bệnh hiệu quả hơn, phát hiện được những triệu chứng mà các giác quan thông thường không thể cảm nhận được.

Tuy nhiên, để phát huy được hết công dụng của ống nghe, điều quan trọng đầu tiên là phải lựa chọn được loại ống nghe phù hợp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt phân tích những khía cạnh quan trọng nhất khi chọn mua một chiếc ống nghe và từng bước giúp bạn chọn ra sản phẩm phù hợp nhất cho nhu cầu sử dụng của chính mình.

Tóm tắt về cấu tạo của ống nghe y tế

Hiện nay, có khá nhiều loại ống nghe y tế khác nhau đang được bán trên thị trường. Để trả lời được câu hỏi nên mua ống nghe y tế loại nào tốt, trước tiên bạn cần phải biết một số kiến thức quan trọng về cấu tạo của chúng.

1/ Mặt nghe

Mặt nghe là thành phần quan trọng nhất của một chiếc ống nghe y tế. Đây là nơi các rung động âm thanh từ cơ thể bệnh nhân được thu lại và khuếch đại lên gấp nhiều lần trước khi đến tai của người sử dụng. Nếu phân loại ống nghe theo cấu tạo của mặt nghe, ta sẽ có 2 loại chính:

  • Ống nghe 1 mặt: cấu tạo gồm có màng nghe ở một bên và sống lưng kết nối với dây nghe ở bên còn lại. Màng nghe trên ống nghe 1 mặt thường là loại có thể điều chỉnh tần số nghe tùy theo lực ấn, giúp người dùng có thể nghe được nhiều khoảng âm thanh khác nhau của cùng một cơ quan mà không cần phải xoay đổi mặt nghe.
  • Ống nghe 2 mặt: cấu tạo gồm có màng nghe (lớn) ở một bên và chuông nghe (nhỏ) ở bên còn lại. Chuông nghe có thể để mở hoặc đóng kín bằng màng nghe tùy theo từng dòng ống nghe, nếu đóng kín sẽ trở thành ống nghe 2 màng nghe.
  • Ống nghe 2 màng nghe: gồm 2 màng nghe với kích thước khác nhau để khám bệnh cho cả người lớn và trẻ em. Trong đó, màng nghe dành cho trẻ em thường sẽ có khả năng chuyển đổi thành chuông nghe tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Ưu điểm của loại này là phù hợp với mọi đối tượng bệnh nhân, rất hữu ích đối với những bác sĩ tổng quát hoặc sinh viên thực tập nhiều bộ môn.

Màng nghe thường được dùng để nghe âm thanh tần số cao. Chuông nghe có đường kính nhỏ hơn thì dùng để nghe âm thanh tần số thấp, ngoài ra còn thích hợp để khám cho trẻ em, bệnh nhân có thể trạng gầy, khám xung quanh lớp băng gạc hoặc kiểm tra động mạch cảnh.

Những ai không biết nên mua ống nghe y tế loại nào tốt thường là do chưa phân biệt được các loại màng nghe và công dụng của chúng. Nhưng đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích khía cạnh này chi tiết hơn ở những phần tiếp theo của bài viết.

2/ Dây nghe

Dây nghe là bộ phận có nhiệm vụ tiếp nhận và dẫn truyền âm thanh đã được phóng đại từ mặt nghe đến tai người sử dụng. Cấu tạo của dây nghe bao gồm một lõi kim loại có công dụng truyền âm và một lớp vỏ bảo vệ đàn hồi bọc bên ngoài. Bộ phận này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều người phân vân không biết nên mua ống nghe y tế loại nào tốt trên thị trường hiện nay.

Thông thường, dây nghe sẽ nối với mặt nghe thông qua một chuôi nghe bằng kim loại. Đối với ống nghe 2 mặt, phần chuôi nghe này còn đóng vai trò như một công tắc để người dùng có thể lựa chọn bên nghe phù hợp. Khi muốn chuyển đổi giữa màng nghe và chuông nghe, bạn chỉ cần quay mặt nghe một góc 180 độ cho đến khi nghe một tiếng “cạch” báo hiệu đường dẫn âm đã được mở là đã có thể bắt đầu sử dụng.

Đổi mặt nghe trên ống nghe 2 mặt
Đổi mặt nghe trên ống nghe 2 mặt

Dây nghe được chia thành 2 loại là dây đơn (1 dây) và dây đôi (2 dây). Trước kia, nhiều loại ống nghe được trang bị 2 dây riêng biệt (dây đôi) để dẫn truyền âm thanh đến từng tai. Tuy nhiên, loại dây này có một nhược điểm rất lớn là tạo ra khá nhiều tạp âm do 2 dây ma sát với nhau trong quá trình sử dụng. Vì vậy, hầu như tất cả các ống nghe hiện nay đều đã chuyển sang sử dụng dây đơn, và bạn cũng nên lựa chọn loại dây này để bảo đảm được hiệu quả công việc.

Lưu ý: bạn cần phân biệt dây đơn, dây đôi và lõi đơn, lõi kép. Dây đơn/đôi là số lượng dây bạn có thể nhìn thấy từ bên ngoài còn lõi đơn/kép là số ống dẫn âm bên trong lớp vỏ bọc của dây nghe.

3/ Quai nghe

Quai nghe cũng có tác dụng dẫn truyền âm thanh nhưng có cấu tạo bằng kim loại cứng chắc chứ không đàn hồi như dây nghe. Điều này giúp người sử dụng có thể thoải mái điều chỉnh góc mở của quai nghe mà không sợ làm tổn hại đến phần ống dẫn âm ở bên trong.

Trong tất cả, quai nghe là bộ phận ít ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh nhất, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng đối với trải nghiệm sử dụng của người dùng. Đối với ống nghe cao cấp, phần quai nghe sẽ được thiết kế với một góc độ vừa phải dựa trên cấu trúc giải phẫu học của tai, giúp bạn có thể sử dụng ống nghe trong một thời gian dài mà không phải lo sẽ bị đau hay nhức mỏi.

Quai nghe ống nghe y tế
Quai nghe ống nghe y tế

4/ Tai nghe (nút tai)

Đây là thành phần thường xuyên bị bỏ qua nhất khi lựa chọn ống nghe nhưng lại quyết định rất lớn đến chất lượng âm thanh và sự thoải mái của người dùng. Một nút tai mềm dẻo và vừa khít với tai sẽ giúp loại bỏ phần lớn tạp âm bên ngoài đồng thời bảo đảm cho tai không bị nhức mỏi do lực ép của quai nghe.

Nút tai ống nghe y tế
Nút tai ống nghe y tế

Những tiêu chí quan trọng khi lựa chọn ống nghe – nên mua ống nghe y tế loại nào tốt?

Mặc dù ống nghe được cấu tạo khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi một chất lượng hoàn thiện rất cao mới có thể bảo đảm được hiệu quả hoạt động. Do đó, để lựa chọn được một chiếc ống nghe tốt, bạn cần phải xem xét rất nhiều yếu tố như: thương hiệu, chất liệu, loại màng nghe, mặt nghe và giá thành của sản phẩm. Sau đây, Medhome sẽ phân tích kĩ hơn những tiêu chí này để giúp bạn dễ dàng chọn lựa hơn.

1/ Thương hiệu ống nghe

Như bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào khác, thương hiệu cũng là một tiêu chí không thể bỏ qua khi chọn mua ống nghe y tế. May mắn thay, việc quyết định thương hiệu khi mua ống nghe lại đơn giản hơn rất nhiều so với những sản phẩm khác. Điều này là do các nhà sản xuất ống nghe hiện nay hướng đến những đối tượng khách hàng rất khác nhau. Tùy vào nhu cầu sử dụng, bạn có thể lựa chọn ống nghe đến từ một trong những thương hiệu sau:

1.1. Ống nghe Littmann (Mỹ)

Khi bàn về ống nghe y tế, Littmann luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Đây là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nghe trên toàn thế giới, và cũng là thương hiệu đặt ra tiêu chuẩn cho tất cả những sản phẩm khác. Nếu đã quyết định chọn Littmann, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng của sản phẩm. Ống nghe Littmann luôn được các chuyên gia đánh giá là tốt nhất trên thị trường và thậm chí còn được bảo hành chính hãng đến tận 5 năm.

Khuyết điểm duy nhất của thương hiệu này là giá thành khá cao, ngay cả sản phẩm rẻ nhất cũng đã trên dưới 2 triệu đồng và những dòng ống nghe chủ chốt thì có thể lên đến hơn 5 triệu.

Ống nghe y tế Littmann
Ống nghe y tế Littmann

1.2. Ống nghe Spirit (Đài Loan)

Tại Việt Nam, Spirit là thương hiệu nổi tiếng thứ hai chỉ sau Littmann. Mặc dù có giá thành khá rẻ, Spirit vẫn được xem là một trong những thương hiệu ống nghe cao cấp trên thị trường hiện nay.

Ống nghe Spirit nổi tiếng với công nghệ lọc tạp âm rất hiệu quả giúp chất lượng âm thanh luôn đạt mức tối ưu ngay cả khi ồn ào, bảo đảm quá trình chẩn đoán luôn chính xác trong mọi điều kiện làm việc. Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc ống nghe chất lượng mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền, Spirit chắc chắn sẽ là một thương hiệu không thể bỏ qua.

Ống nghe y tế Spirit
Ống nghe y tế Spirit

1.3. Ống nghe Boso (Đức)

Boso là nhà sản xuất thiết bị y tế hàng đầu tại Đức. Theo thống kê, có đến hơn 96% nhân viên y tế tại Đức tin dùng các sản phẩm đến từ thương hiệu này trong quá trình hành nghề.

Ống nghe Boso tuy có chất lượng rất tốt nhưng lại khá kén người dùng do có khối lượng và độ cứng khá cao, dễ gây đau tai hơn so với những ống nghe khác. Tất nhiên, ưu điểm của những sản phẩm đến từ Đức vẫn sẽ là sự bền bỉ tuyệt đối và tiêu chuẩn chất lượng cực kỳ cao. Giá thành của ống nghe Boso dao động trong khoảng từ 400.000đ – 2.000.000đ.

Ống nghe y tế Boso
Ống nghe y tế Boso

1.4. Ống nghe ALPK2 (Nhật Bản)

ALPK2 là thương hiệu chuyên cung cấp ống nghe và máy đo huyết áp giá rẻ được rất nhiều sinh viên ưa chuộng. Đối với ALPK2, chỉ cần hơn 200.000đ, bạn đã có thể sở hữu được một chiếc ống nghe với đầy đủ những tính năng cần thiết. Tất nhiên, độ bền và chất lượng âm thanh của những sản phẩm này sẽ không thể so sánh được với Littmann hay Spirit. Nhưng ngược lại, ống nghe ALPK2 lại rất phù hợp với túi tiền của sinh viên và những người chỉ cần thực hiện những công việc đơn giản như nghe nhịp tim hay đo huyết áp.

Ống nghe y tế ALPK2
Ống nghe y tế ALPK2

1.5. Ống nghe Yamasu (Nhật Bản) 

Yamasu cũng là một thương hiệu ống nghe và máy đo huyết áp giá rẻ đến từ Nhật Bản tương tự như ALPK2. Một điều quan trọng cần lưu ý là cả 2 hãng ống nghe giá rẻ này đều không có chính sách bảo hành tại Việt Nam. Vì vậy, bạn nên xem xét thật kĩ trước khi quyết định mua sản phẩm của một trong 2 thương hiệu này.

Ống nghe y tế Yamasu
Ống nghe y tế Yamasu

1.6. Ống nghe Microlife (Thụy Sĩ)

Microlife là thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến từ Thụy Sĩ. Mặc dù khá nổi tiếng với những thiết bị y tế như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết hay nhiệt kế điện tử nhưng mặt hàng ống nghe của Microlife thì lại khá nghèo nàn. Cụ thể, hiện nay hãng chỉ cung cấp một dòng ống nghe duy nhất là ống nghe 2 dây Microlife ST-77. Như đã đề cập ở phần cấu tạo, ống nghe 2 dây có chất lượng âm thanh khá thấp và chúng tôi khuyến cáo bạn đọc không nên lựa chọn loại ống nghe này.

Ống nghe y tế Microlife
Ống nghe y tế Microlife

Ngoài những thương hiệu kể trên, bạn còn có thể bắt gặp những hãng ống nghe khác như Riester (Đức) hay ADC (Mỹ). Tuy nhiên, những thương hiệu này hiện không phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu chỉ có hàng xách tay từ nước ngoài nên sẽ không được đề cập trong bài viết này.

2/ Loại mặt nghe

Vấn đề mà nhiều người gặp phải nhất khi mua ống nghe y tế chính là lựa chọn giữa ống nghe 1 mặt và ống nghe 2 mặt. Mọi việc thậm chí còn phức tạp hơn khi những dòng ống nghe hiện đại ngày nay bắt đầu được trang bị loại màng nghe đa tần số có thể đảm nhiệm được chức năng của cả chuông nghe. Để giúp bạn đọc dễ dàng quyết định hơn, chúng tôi xin tóm tắt công dụng và tình huống sử dụng của từng loại mặt nghe như sau:

2.1. Ống nghe 1 mặt

Ống nghe 1 mặt thường đi kèm với màng nghe điều chỉnh tần số theo lực nhấn, giúp người dùng có thể tập trung vào nhiều khoảng âm thanh khác nhau. Để nghe âm thanh tần số thấp, bạn cần nhẹ nhàng áp sát màng nghe lên da người bệnh và dùng lực mạnh hơn khi muốn nghe âm thanh tần số cao.

Ống nghe 1 mặt có ưu điểm là kích thước nhỏ hơn và khối lượng nhẹ hơn so với ống nghe 2 mặt, do đó thao tác sử dụng sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng chỉ cần thay đổi lực nhấn lên mặt nghe là đã có thể nghe được âm thanh ở nhiều tần số khác nhau, không cần phải xoay đổi và điều chỉnh vị trí nghe lại từ đầu như khi sử dụng ống nghe 2 mặt.

Khám bệnh bằng ống nghe 1 mặt
Khám bệnh bằng ống nghe 1 mặt

2.2. Ống nghe 2 mặt

Ống nghe 2 mặt gồm chuông nghe và màng nghe, màng nghe có thể đa tần số hoặc không. Nếu có màng nghe đa tần số, bạn có thể dùng phần màng nghe khi khám bệnh cho người lớn và chuyển qua chuông nghe (kích thước nhỏ hơn) khi khám bệnh cho trẻ em. Nếu không, chuông nghe sẽ đảm nhiệm luôn cả chức năng nghe những âm thanh tần số thấp và màng nghe sẽ dùng để nghe những âm thanh tần số cao.

Như vậy, nếu được trang bị màng nghe đa tần số, ưu điểm của ống nghe 2 mặt sẽ là khả năng thay đổi linh hoạt khi cần khám bệnh cho trẻ em hoặc những bệnh nhân có thể trạng gầy, khi khám xung quanh lớp băng gạc hoặc kiểm tra động mạch cảnh. Loại ống nghe này phù hợp nhất với những bác sĩ tổng quát hoặc các sinh viên sử dụng khi thực tập các bộ môn nội, ngoại, sản, nhi.

Khám bệnh bằng ống nghe 2 mặt
Khám bệnh bằng ống nghe 2 mặt

3/ Dây nghe

Như đã nói ở trên, ống nghe 2 dây chất lượng âm thanh sẽ không bằng ống nghe 1 dây. Tuy nhiên, bạn vẫn còn một vấn đề nữa phải quan tâm đó là phần lõi của dây nghe. Hiện nay, ống nghe 1 dây có thể được trang bị công nghệ lõi đơn hoặc lõi kép:

  • Lõi đơn: âm thanh từ mặt nghe được truyền vào 1 đường dẫn âm duy nhất, chia làm 2 ở phần chạc ba trước khi đến tai người sử dụng. Lõi đơn vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng được hầu hết những nhu cầu sử dụng thông thường nên phù hợp nhất với các bác sĩ tổng quát hoặc sinh viên khi đi thực tập bệnh viện.
  • Lõi kép: 2 ống dẫn âm chạy song song, mỗi ống đưa âm thanh đến 1 tai. Lõi kép cho khả năng dẫn truyền âm thanh tốt hơn, giúp người dùng phát hiện được cả những âm thanh khó nghe nhất như tiếng hẹp động mạch chủ, tiếng gallop T3, tiếng dị thường phổi mờ nên thường được dùng trong những dòng ống nghe cao cấp hoặc ống nghe tim mạch.

4/ Chất liệu của ống nghe

Đối với ống nghe y tế, chất liệu cấu thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và trải nghiệm sử dụng của sản phẩm. Do đó, khi lựa chọn, bạn cần phải chú ý thật kĩ đến chất liệu của những thành phần sau:

  • Mặt nghe: làm từ hợp kim kẽm mạ crom hoặc thép không gỉ. Trong đó, thép không gỉ thường được sử dụng trên những dòng ống nghe cao cấp, mang lại độ bền và khả năng cảm âm tối ưu hơn. Ngược lại, hợp kim nhôm mạ crom sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn và nhẹ hơn về khối lượng.
  • Vỏ bọc dây nghe: làm từ cao su thiên nhiên hoặc cao su tổng hợp (PVC). Cao su thiên nhiên có một nhược điểm là sẽ cứng lại theo thời gian do tiếp xúc với chất dầu trên da hoặc cồn trong môi trường bệnh viện. Do đó, hầu hết những hãng ống nghe hiện nay đều đã chuyển sang sử dụng PVC cho sản phẩm của mình.
  • Quai nghe: làm từ hợp kim kẽm mạ crom hoặc thép không gỉ tương tự như mặt nghe. Thép không gỉ sẽ cho khả năng cách âm tốt hơn và giúp quai nghe bền hơn, có thể thoải mái điều chỉnh góc độ mà không sợ nứt gãy.
  • Nút nghe: có 2 loại là cao su mềm và nhựa cứng. Trong đó, cao su mềm sẽ dễ khít sát vào tai hơn và dễ chịu hơn khi sử dụng. Bạn cũng cần phải chú ý lựa chọn nút nghe sao cho phù hợp với kích thước của tai, quá lớn sẽ gây đau tai, quá nhỏ sẽ dễ bị tuột và lẫn nhiều tạp âm từ bên ngoài. Một số dòng ống nghe hiện nay còn đi kèm với bộ nút nghe nhiều kích thước để dễ dàng thay đổi tùy vào nhu cầu người sử dụng.
Cấu tạo ống nghe y tế
Cấu tạo ống nghe y tế

Nên chọn mua ống nghe y tế ở đâu?

Hy vọng tới thời điểm này, bạn đã có thể quyết định được chiếc ống nghe nào là phù hợp nhất cho chính mình. Nếu vậy, công việc tiếp theo chính là lựa chọn một cửa hàng uy tín để tiến hành mua sắm.

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng dụng cụ y tế đều chỉ tập trung kinh doanh một vài loại ống nghe nhất định. Do đó, tùy vào thương hiệu ống nghe đã lựa chọn, bạn có thể tham khảo mua hàng tại một trong những cửa hàng sau:

  • Medhome: chúng tôi là một trong những cửa hàng dụng cụ y tế uy tín hàng đầu hiện nay. Đối với mặt hàng ống nghe, Medhome hiện đang cung cấp ống nghe Spirit, Littmann và Boso với giá cực kỳ hấp dẫn và cam kết 100% chính hãng. Nếu mua hàng từ chúng tôi, bạn sẽ được hưởng chính sách đổi trả miễn phí trong vòng 7 ngày đầu và hoàn tiền gấp đôi nếu phát hiện hàng giả.
  • LazadaShopee: Hiện nay, ống nghe Littmann đã bắt đầu được 3M phân phối chính thức thông qua 2 trang thương mại điện tử nổi tiếng Lazada và Shopee.
  • Allmed: cửa hàng chuyên cung cấp dụng cụ y tế xách tay từ Mỹ được thành lập bởi Mr. Nguyễn Văn Nhựt, giảng viên bộ môn Giải phẫu học trường Đại Học Y Dược TP.HCM. Nếu bạn cần mua ống nghe Littmann hoặc ADC, Allmed chính là một trong những lựa chọn uy tín hiện nay.

Đối với những thương hiệu giá rẻ như ALPK2 hoặc Yamasu, bạn nên đến mua trực tiếp tại những cửa hàng dụng cụ y tế để tiện kiểm tra sản phẩm, tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, một số Đoàn – Hội sinh viên của các trường Y cũng có cung cấp những sản phẩm này.

Tống kết

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đã trả lời được câu hỏi nên mua ống nghe y tế loại nào tốt và có thể tự tìm được cho mình một sản phẩm phù hợp. Nếu cần mua ống nghe Spirit hoặc Boso, bạn có thể tham khảo trang cửa hàng của chúng tôi hoặc nhắn tin cho Medhome để được tư vấn chi tiết.

Tại Medhome, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự hài lòng của khách hàng. Nếu chọn mua hàng từ chúng tôi, bạn sẽ được hưởng những chính sách hấp dẫn như sau:

  • Giá rẻ nhất thị trường: đối với ống nghe y tế, chúng tôi luôn cố gắng cung cấp các sản phẩm với giá thấp nhất có thể cho bác sĩ và sinh viên thực tập.
  • Bảo đảm 100% chính hãng: tất cả các mặt hàng được bán tại Medhome đều là sản phẩm phân phối chính hãng. Nếu phát hiện hàng giả, bạn sẽ được hoàn tiền gấp đôi cho hóa đơn mua hàng của mình.
  • Đổi trả miễn phí trong vòng 7 ngày: ngay cả những sản phẩm chính hãng thì cũng có thể gặp một vài trục trặc từ nhà sản xuất. Khi đó, Medhome sẽ đổi ngay cho bạn một ống nghe mới hoặc hoàn tiền 100% giá trị của sản phẩm.

Cuối cùng, nếu bạn có điều gì cần góp ý cho bài viết này, hãy để lại bình luận phía bên dưới. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến của mọi người để cải thiện bài viết của mình ngày một tốt hơn.

3 thoughts on “[Guide] Cách chọn mua ống nghe y tế phù hợp (2021)

  1. huyen says:

    cho mình hỏi là màng nghe đóng vai trò gì trong ống nghe y tế vậy. Theo mình hiểu thì có loại ống nghe không có màng. vậy màng có vai trò gì trong việc thu âm thanh truyền đến tai người?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *